Lý do phụ nữ mãn kinh thường ngáy ngủ

2024-08-20 HaiPress

Ngáy là âm thanh phát ra trong khi ngủ do sự rung động của các mô mềm ở đường hô hấp trên khi có luồng không khí đi qua. Thạc sĩ,bác sĩ Nguyễn Văn Ngân,khoa Hô hấp,Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội,cho biết phụ nữ ít ngáy ngủ hơn nam giới do khác biệt đặc điểm giải phẫu đường thở và hormone sinh dục. Nam giới thường có vòm khẩu cái mềm,dày,đường hô hấp trên dài hơn nên dễ xẹp xuống khi ngủ,cản trở lưu thông khí ra vào hầu họng. Mỡ thừa vùng cổ có khả năng nhiều hơn so với nữ,tăng nguy cơ ngáy.

"Ở giai đoạn mãn kinh,nữ giới có nguy cơ ngáy nhiều hơn so với thời trẻ",bác sĩ Ngân nói,giải thích thêm tuổi tác gây ra những thay đổi về giải phẫu,sinh lý,miễn dịch khiến hệ hô hấp suy yếu. Đường thở,hệ thống mạch máu kém linh hoạt,phế nang bắt đầu giãn nở,làm giảm hiệu quả trao đổi khí oxy - cacbonic.

Quá trình lão hóa khiến cơ bắp yếu hơn,dung tích phổi giảm,khung xương sườn cứng do vôi hóa làm giảm khả năng giãn nở lồng ngực,điều hòa hơi thở. Mô phổi mất tính đàn hồi khiến đường thở bị thu hẹp. Đồng thời,sức mạnh cơ hô hấp yếu đi,hoạt động của cơ giãn hầu họng kém,gây cản trở quá trình loại bỏ dị vật,dịch nhầy để khai thông đường thở.

Trương lực cơ giảm khiến đường thở không mở liên tục để đáp ứng với áp suất âm trong lòng phổi khi hít vào. Đường thở trên bị thu hẹp lại,làm tăng vận tốc luồng khí ra vào phổi,thúc đẩy tình trạng thở khò khè và ngáy. Phụ nữ mãn kinh có nhiều thay đổi về số lượng,sự phân bố mỡ trong cơ thể,tăng khả năng tắc nghẽn đường thở. Hormone sinh dục như estrogen và progesterone đều sụt giảm gây mất cân bằng nội tiết,tăng các cơn bốc hỏa,mất ngủ,dẫn đến rối loạn nhịp thở khi ngủ.

Ngáy ngủ ở phụ nữ mãn kinh có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). OSA đặc trưng bởi tình trạng ngáy to,sau đó là khoảng thời gian im lặng khi hơi thở ngừng lại,thường kéo dài từ 10 giây trở lên. Giảm hoặc ngừng thở khiến nồng độ oxy giảm trong khi cacbonic dần tích tụ trong máu. Não bộ phát hiện ra những thay đổi này,phản ứng bằng cách đánh thức người bệnh dậy nhiều lần trong đêm với tiếng khịt mũi hoặc thở hổn hển.

Ngủ ngáy có thể làm gia tăng biến cố tim mạch trong đêm như tăng huyết áp,nhồi máu cơ tim,xuất huyết não,đột quỵ. Người bệnh cũng thường xuyên tiểu đêm,mệt mỏi vào buổi sáng,chóng mặt,đau đầu khi thức dậy,thiếu tập trung,giảm chú ý,buồn ngủ quá mức vào ban ngày,suy giảm trí nhớ,thay đổi tâm sinh lý.

Theo bác sĩ Ngân,một số yếu tố khác có thể dẫn đến ngáy ngủ như uống bia rượu,hút thuốc,dùng thuốc an thần,béo phì,mắc bệnh lý mũi họng,tim mạch,suy giáp... Người khỏe mạnh nhưng có bất thường cấu trúc giải phẫu miệng,xoang như lệch vách ngăn mũi,màn hầu thấp,khe họng hẹp... cũng có thể ngáy ngủ.

Nữ giới cần đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ,chụp X-Quang,nội soi tai mũi họng,đo chức năng hô hấp... để chẩn đoán xác định nguyên nhân. Bác sĩ Ngân cho biết các phương pháp điều trị hiện có thể cải thiện triệu chứng đến 90%,một số trường hợp khỏi hẳn.

Nếu ngủ ngáy đơn thuần,người bệnh chỉ cần thay đổi lối sống như tập thể dục duy trì cân nặng hợp lý,hạn chế tối đa uống rượu bia,cà phê trước khi đi ngủ,bỏ hút thuốc,nằm nghiêng,kê gối cao khi ngủ. Phụ nữ tránh dùng thuốc an thần,chống lo âu,đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày,giải tỏa stress bằng cách đọc sách,tập thiền,yoga,trò chuyện với chuyên gia tâm lý...

Phụ nữ mãn kinh cũng có thể sử dụng liệu pháp hormone để giảm tỷ lệ mắc OSA. Theo bác sĩ Ngân tăng nồng độ estrogen và progesterone trong máu giúp giảm khoảng triệu chứng ngáy ngủ,thức dậy đột ngột ban đêm với cảm giác nghẹt thở hoặc thở hổn hển. Tuy nhiên,người bệnh không tự bổ sung các thuốc nội tiết. Một số loại nếu dùng quá liều có thể làm tăng số lượng và kích thước khối u,quá sản nội mạc tử cung... Người bệnh nên khám,làm xét nghiệm nội tiết,tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Trường hợp ngáy ngủ do các bệnh mũi xoang,miệng họng,hô hấp,cần điều trị triệt để bằng thuốc. Nếu các phương pháp thay đổi lối sống không hiệu quả hoặc người bệnh mắc chứng OSA mức độ trung bình đến nặng,bác sĩ có thể chỉ định dùng dụng cụ hỗ trợ mở đường thở khi ngủ,đeo máy thở áp lực dương liên tục (auto CPAP). Trường hợp có bất thường về cấu trúc mũi họng có thể cần điều trị bằng phẫu thuật tạo hình vùng hầu họng,lưỡi gà,cắt amidan,nạo VA...

Trịnh Mai

Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
©bản quyền 2009-2020 Thông tin Giáo dục Việt Nam      Liên lạc với chúng tôi   SiteMap