Tôi tự hỏi sao sống được 8 năm chán ngắt với chồng

2024-12-05 HaiPress

Chồng hơn tôi hai tuổi,nhà chỉ có mình anh là con trai. Sau cưới,bố mẹ chồng giao cho chúng tôi mọi trách nhiệm từ ăn uống,giỗ chạp,ốm đau... Thời gian đầu mới cưới,ba năm tôi sinh hai đứa con. Vợ chồng tôi,ông bà,đều đi làm thuê. Thu nhập 3 năm đầu bình quân mỗi người chỉ kiếm 10 triệu đồng mỗi tháng,đủ trang trải,khéo ăn thì no,khéo co thì ấm. Vợ chồng cũng ít va chạm về tiền.

Chồng tôi cục cằn thô lỗ,không kiềm chế được cảm xúc là chửi,nhiều lúc vợ trái ý những việc rất nhỏ cũng chửi. Chẳng hạn máy giặt hỏng,vợ bảo gọi người đến sửa,giục anh nhiều lần anh không gọi. Tôi tự gọi,vậy mà anh cũng văng tục. Hoặc đồ dùng hỏng,cũ nát,anh cứ tích ở góc nhà vài năm không dùng đến,tôi dọn dẹp muốn vứt đi,anh không đồng ý và lại chửi. Anh bảo thích làm ăn với người này,tôi khuyên tính anh thật thà,người đấy lại ma cô,bài bạc,không nên làm ăn chung,anh liền quay ra chửi tôi luôn. Anh thích đàn đùm bạn bè,lại tiết kiệm đến mức có cảm giác keo kiệt. Ngược lại anh cũng có ưu điểm là khỏe mạnh,thật thà,nếu bạn bè không rủ rê đàn đùm thì cũng ở nhà nấu cơm,chăm con.

Lấy nhau được khoảng 3 năm,vợ chồng vẫn không dư ra đồng nào,anh bắt đầu quay sang nghi ngờ,chì chiết vợ không biết tiết kiệm. Vợ chồng cãi nhau nhiều hơn vì bất đồng quan điểm. Hồi năm thứ hai sau cưới,chúng tôi đã gom góp vay mượn mua xe để anh chạy,lương tôi và anh phụ thêm chăm lo cho gia đình,còn anh làm được lo trả nợ. Vậy mà mỗi lần vợ thiếu tiền,hỏi đến,anh bắt đầu chửi bới. Vấn đề là tiền tiết kiệm đã đổ vào cái xe,anh không biết,hoặc cố tình không biết điều đó,cũng có thể vì cuộc sống áp lực quá nên anh tính chuyện cầm riêng tiền,không chi cho vợ nữa. Anh chỉ chi tiền ma chay hiếu hỉ bên nội,thích thì mua ít thịt,ít trứng,còn lại tặc lưỡi không biết.

Đến năm thứ tư sau cưới,khi đứa bé thứ hai được hai tuổi,tôi bỏ công ty cũ,chấp nhận đi làm xa hơn để lương cao hơn. Tôi bớt phụ thuộc vào tiền của chồng. Ở gia đình tôi,ai thích ăn gì thì mua. Cả năm anh đóng học cho một đứa được 3 triệu đồng. Học phí ở quê tôi rẻ lắm,còn lại tiền ăn bán trú và các khoản khác như sữa bỉm,quần áo của các con là tôi tự mua. Gia đình ai có việc,người ấy lo. Tôi cũng thấy nhàn hơn,đỡ nặng gánh lo nay bố mẹ chồng ăn cái gì. Từ đó,vợ chồng xa cách.

Bình thường chúng tôi cũng ít nói chuyện với nhau vì không có chung chủ đề. Tôi tốt tính,thường anh nói tôi nghe,thi thoảng tôi phụ họa đôi ba câu dù không thích các câu chuyện của chồng lắm,vì quanh đi quẩn lại câu chuyện bên mâm cơm của gia đình chồng là nói xấu người nào đó,sau đó anh bắt đầu văng tục. Thời gian đầu tôi còn ừ à,sau này cũng không có câu nào lọt vào tai nữa. Đọc đến đây chắc nhiều người lại bảo tôi không biết cách mềm dẻo để lấy được tiền của chồng,rồi khuyên nhủ chồng kiểu mưa dầm thấm lâu để bớt tật xấu này kia. Thú thật tôi khá tự ái. Tôi không xin tiền việc cá nhân,việc bên ngoại,nếu tôi bảo một vài lần đưa tiền để lo cho con mà không đưa là tôi sẽ không xin nữa.

Tật xấu của chồng,nhậu nhẹt,cục cằn,nói thật khó mà có thể cải thiện được. Người ta đã sống với tính cách như thế 30 năm,mình mới lấy họ có vài năm làm sao có thể một sớm một chiều bảo họ thay đổi. Quan trọng hơn là,đến tiền tôi cũng không cần nữa thì cần gì phải làm những chuyện mệt người như khuyên nhủ này kia,vì tôi biết mỗi lần như thế mình lại được ăn chửi.

Vừa rồi anh bị tai nạn gãy chân,hỏi đến tiền không thấy có đồng nào. Tôi vẫn chạy vạy lo thủ tục vào viện,lo thủ tục công an,các thứ để lấy xe ra đi sửa. Hơn tháng anh ăn đâu nằm đó cũng là tôi vừa đi làm vừa chăm lo cho anh. Được 15 ngày,anh có đưa cho 40 triệu đồng và mẹ chồng đưa cho 40 triệu đồng để lo việc. Tôi cầm nhưng ghi từng đồng chi phí lại,cũng tổng kết thu chi cho chồng xem. Chỉ có tiền ăn uống,mua đồ bồi bổ cho anh là tôi không tính toán gì. Thời gian đó tôi cũng chẳng cằn nhằn câu nào,vẫn chăm chồng hết mực,đúng với lương tâm của mình,không biết anh có hiểu ra được điều gì không.

Hôm rồi kỷ niệm 8 năm ngày cưới,ngẫm lại tôi thế mà cũng sống cuộc sống chán ngắt được lâu vậy rồi. Bạn tôi bảo cứ sống như vậy mà không chán sao? Tôi bảo không,bởi đã có mục tiêu của mình. Tôi không cần tiền của chồng nữa,cũng không quan tâm thái độ nhà chồng với mình,thích thì ba mẹ con lên đường đi chơi,thích ăn gì là mua. Tiện thể cũng nói luôn,vợ chồng tôi ngủ riêng mấy năm nay,anh thích và có nhu cầu với vợ,còn tôi thì không. Bạn cười bảo,không lo anh đói đi ăn quàng à? Tôi bảo không,muốn ăn quàng cũng phải mất tiền,đến con anh còn tiếc không muốn bỏ tiền đóng học,làm gì có chuyện quăng tiền cho gái. Nếu có cô nào phải cho anh tiền,may ra anh mới ngoại tình với nó.

Cuộc sống cũng không hẳn là buồn tẻ,không phải tôi đang chịu đựng anh,đơn giản là tôi không quan tâm tiền của anh nữa,biết cách tránh để ít va chạm,mình ít bị tổn thương. Tôi biết tự tìm niềm vui trong cuộc sống,hướng các con đến cuộc sống tích cực,tràn đầy năng lượng như thế. Tôi dạy bọn nhỏ lòng nhân ái,nói lời hay ý đẹp,tham gia các hoạt động cộng đồng,thể dục thể thao,thi thoảng đưa con đi lên phố,đơn giản chỉ là trải nghiệm tàu trên cao,thăm thú phố phường,ăn một cốc kem trong công viên. Tôi không tiếc những hoạt động như thế,còn anh chỉ nói đúng một câu: "Rồ,tốn tiền".

Nhiều lúc tôi nghĩ,mọi tật xấu của chồng đều xuất phát từ tính keo kiệt,bủn xỉn hoặc do hoàn cảnh lúc nhỏ cơ cực quá. Một ngày nào đó,khi các con đủ lớn,anh vẫn cứ vô tâm,keo kiệt như này có thể tôi sẽ sống cuộc sống của riêng mình. Tôi làm được tất cả những điều trên,quan trọng nhất không phải tôi đã nhận ra mình hiền dịu hơn,chỉ là bản thân đã tự chủ về tài chính.

Hoa Hồng

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
©bản quyền 2009-2020 Thông tin Giáo dục Việt Nam      Liên lạc với chúng tôi   SiteMap