Nhà thơ Đặng Đình Hưng trong ký ức người ở lại

2024-12-20 IDOPRESS

Giới văn chương,hội họa,các học trò của nhà thơ,nhạc sĩ,họa sĩ Đặng Đình Hưng tề tựu trong buổi ra mắt cuốn Di cảo Đặng Đình Hưng tại Hà Nội,hôm 19/12. Sách ra mắt dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1924-2024).

Ấn phẩm gồm các phần Rra (1965),Songe A (1968),sử thi Phù Đổng ca (1970) và một số thủ bút loạt tập thơ của Đặng Đình Hưng. Sách còn có những bản vẽ,phác thảo hội họa của ông,chân dung ông qua ống kính nhiếp ảnh gia Hà Tường và các bài viết của tác giả Hoàng Cầm,Lê Đạt,Phan Đan,Nguyễn Thụy Kha.

Tác phẩm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Gallery 39 phát hành. Ảnh: Phương Linh

Ở lời giới thiệu,họa sĩ Lê Thiết Cương - người thực hiện cuốn di cảo - cho biết năm 2021,sau khi Một bến lạ ra mắt,một số người bạn đã tin tưởng đưa anh bản thủ bút những tác phẩm của ông Đặng Đình Hưng. ''Di cảo như tên gọi của nó là những gì chưa được biết tới. Nó cần phải được phổ biến để bức chân dung của tác giả hoàn chỉnh hơn'',họa sĩ nói.

Theo Lê Thiết Cương,tính đến khi nhà thơ Đặng Đình Hưng mất,anh làm học trò của ông khoảng sáu năm. Thời gian đó,họa sĩ được học về nghệ thuật nói chung,trong đó có hội họa. Trong bài Thầy tôi,Lê Thiết Cương nhớ một lần chuẩn bị màu,bút cho ông,thấy ông rất nhanh đã vẽ lên mặt toan hai chữ,đọc thành ba âm tiết: ''Đêm Virgule'' (Đêm dấu phẩy). ''Đó là bài thơ,hay bức tranh vẽ về một bài thơ? Tôi không biết nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng gì vì nó chính là bài học đầu tiên ông dạy tôi để khai mở cho tôi quan niệm tối thiểu trong nghệ thuật mà tôi vẫn đang đi cho đến tận hôm nay'',Lê Thiết Cương viết.

Nhà thơ Đặng Đình Hưng (trái) và họa sĩ Lê Thiết Cương (phải) năm 1984. Ảnh: Di cảo Đặng Đình Hưng

Giới văn nghệ sĩ nhận định thơ Đặng Đình Hưng hiện đại. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng các vần thơ đã đi xuyên không gian,ở lại với từng thế hệ bạn đọc.

Dù mới đọc sáng tác của ông cách đây bốn năm,họa sĩ Lê Thiết Cương nhanh chóng yêu thích bởi những vần thơ lạ. Theo anh,các bài thơ vẫn giữ được sức hút đến nay nhờ yếu tố mới mẻ.

Trong thơ Đặng Đình Hưng có tính nhạc là nhận định của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Tại buổi ra mắt sách,nhạc sĩ nhớ năm 11 tuổi,trong một lần qua nhà ''bác Hưng'' chơi,ông được nhà thơ khuyên thử tập sáng tác,học khí nhạc. Năm 1981,trở về nước sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Moskva,ông Quân hay cùng nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đến thăm nhà thơ Đặng Đình Hưng. Khi gặp gỡ,ông Đặng Đình Hưng thường cất một câu hát mang đậm chất thơ,trở thành ký ức không thể nào quên của ông Đỗ Hồng Quân.

''Nhà thơ Đặng Đình Hưng,nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi và các tên tuổi ở cùng thời điểm đều tài năng,có cá tính đặc biệt,như những ngôi sao sáng trong nền văn nghệ thời kỳ đầu'',ông Quân nói. Dù tài năng,tạo nên nhiều tác phẩm giá trị,cuộc đời nhà thơ Đặng Đình Hưng còn nghèo khổ,gặp bệnh tật liên miên trong những năm cuối đời,theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Có mặt trong sự kiện giới thiệu di cảo,nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn - con trai út của ông Đặng Đình Hưng - xúc động nói: ''Tôi thấy rằng bố giờ đây không chỉ của riêng gia đình mà trở thành nhà thơ Đặng Đình Hưng của mọi người''.

Ngày nhỏ,Đặng Thái Sơn gần gũi mẹ nhiều hơn bố. Ở độ tuổi thiếu niên,ông được bố giúp định hình tính cách,gu thẩm mỹ,quan điểm nghệ thuật. Bố uốn nắn cho ông dáng ngồi đánh đàn,cách đi đứng,nói năng,bồi đắp tình yêu nghệ thuật. Tháng 1/2021,ông thực hiện tọa đàm về sách,tranh mà bố sáng tác,dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của nghệ sĩ Đặng Đình Hưng.

Đặng Thái Sơn chơi piano

Trích đoạn nghệ sĩ Đặng Thái Sơn biểu diễn một bản nhạc trong buổi ra mắt di cảo của bố. Video: Phương Linh

Nhà thơ,nhạc sĩ Đặng Đình Hưng sinh năm 1924,mất năm 1990,quê ở làng Thụy Hương,Chương Mỹ,Hà Nội. Năm 18 tuổi,khi đang học trường Luật Đông Dương,Cách mạng tháng Tám bùng nổ nên ông tham gia hoạt động đoàn thể ở Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến,nhà thơ lên Vĩnh Yên làm tuyên truyền. Năm 1947,ông vào công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1951,ông giữ vị trí Đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương.

Ông từng được nhà thơ Nguyễn Thụy Kha gọi là "kỳ nhân" một thời. Tuy nhiên,các tác phẩm của Đặng Đình Hưng trước đây chưa được phổ biến,xứng tầm với giá trị.

Nhà thơ Đặng Đình Hưng tại nhà riêng vào năm 1984. Ảnh: Hà Tường

Phương Linh

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
©bản quyền 2009-2020 Thông tin Giáo dục Việt Nam      Liên lạc với chúng tôi   SiteMap